QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ
Hoằng Phượng là một trong những địa phương khá gần với các di chỉ mang dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa như di chỉ Hoằng Lý (nay thuộc thành phố Thanh Hóa), di chỉ Quỳ Chử (Hoằng Quỳ) khai quật được những cổ vật thuộc thời kỳ đồ đồng cách đây khoảng 2.700 năm đã khẳng định rằng: con người đã có mặt ở Hoằng Hóa từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Đây là vùng đất được con người khai phá sớm nhất của huyện, theo Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa của Phó Giáo sư Ninh Viết Giao: “Suốt cả thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và thiên niên kỷ sau Công nguyên, cư dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã lan dần từ hai bên bờ sông Tuần Ngu (hay còn có tên sông Lạch Trường vốn là sông Mã cũ), sông Dọc (từ xã Hoằng Hợp xuống Hoằng Quỳ, qua Hoằng Phú, Hoằng Quý đến Hoằng Phượng) thuộc tả ngạn sông Mã rồi mới đến các nơi khác”. Cùng với việc mở rộng địa bàn sinh sống, quá trình hình thành các làng, ấp và cộng đồng dân cư ở Hoằng Phượng từ đầu công nguyên đến thế kỷ X đã khá đông đúc, điều này được thể hiện trong dấu vết hành quân của các cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng, Bà Triệu hay các hành quân của Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Lê Đại Hành, Tô Hiến Thành (thời Lý), Trần Khát Chân (thời Trần), Lê Lợi, Quang Trung còn lưu lại nơi đây khá đậm nét.
Có thể căn cứ vào một số thư tịch cổ còn sót lại như thần phả, sắc phong tại các đền chùa thì có thể thấy, cư dân đến Hoằng Phượng trú ngụ, sinh sống, lập nghiệp dọc theo tả ngạn sông Mã từ khá sớm, hình thành những cộng đồng dân cư với các tên cổ như Tuấn Mau, Làng Gia... Đến thế kỷ XII, thời Lý có ấn tích Tô Hiến Thành từng đi đánh quân Chiêm Thành qua làng Chùa Gia được nhân dân giúp đỡ. Thời Trần có tướng Trần Khát Chân đã từng đem quân vào đánh Chiêm Thành; vào Thời kỳ Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa, đánh đuổi quân Minh, những địa danh trên vùng đất Hoằng Phượng đã hình thành.
Theo Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa thì “Cư dân Hoằng Hóa, ngoài người bản địa có, người ngoài Bắc vào, có người Nghệ An ra, có người Trung Hoa sang”. Hoằng Phượng là nơi có đường kinh lý quốc gia từ xa xưa, gần với các trạm dịch nên việc cư dân nhiều nơi chọn nơi này để quần tụ, sinh sống, xây dựng xóm làng, quê hương là điều phổ biến và dễ hiểu. Ngày nay, việc gốc gác xưa không được nhiều người nhớ nữa, người dân nơi đây dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ mình là người Hoằng Phượng, thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa của Tổ quốc Việt Nam.
Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” do Viện nghiên cứu Hán Nôm, tác giả Dương Thị The chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội xuất bản năm 1981” thì khi thực dân Pháp tiến hành thay đổi địa lý hành chính các tỉnh Trung Kỳ, hai làng Phượng Mao và Vĩnh Gia thuộc tổng Lỗ Hương, nay thuộc xã Hoằng Phượng.
Làng Phượng Mao
Trước đây có tên gọi là Tuấn Mao, theo lịch sử của làng thì làng được hình thành từ thế kỷ XV, thời Lê sơ, do hai vị tướng có công giúp vua Lê dẹp giặc, đó là Lê Công Chính và Lê Công Phụng được nhà vua ban đất ở đây để khai dân, lập ấp và được ban 36 đạo sắc phong hiện nay còn lưu giữ 23 đạo săc. Đến ngày nay, cứ vào tháng Hai (Âm lịch) hằng năm, nhân dân trong làng lại tổ chức mở hội tế hai vị thần đã có công giúp vua Lê đánh giặc, Thời Tây Sơn, sau khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc dẹp loạn, trên đường trở về Phú Xuân (Huế), ở đây còn để để lại câu thơ:
“Tùng tùng trống đánh trước làng
Chợ Già trước mặt, quán Mau bên đàng
Qua Chiêng xuống bến sang Giàng
Qua làng Đông Thổ đi về Đình Hương”.
Thiên nhiên tươi đẹp, có dòng sông Mã chảy qua, hàng ngàn năm trước đã bồi tụ phù sa, tạo nên vùng đất đai màu mỡ, phì nhiêu, lại là đầu mối giao thông quan trọng trong suốt nhiều thế kỷ, nằm trên con đường kinh lý ra Bắc vào Nam, lên rừng, xuống biển. Do vậy cư dân sớm tập trung về đây, khai khẩn điền công, làm ăn sinh cơ lập nghiệp, nhiều ngành nghề được trù phú như cấy lúa, làm khoai, làm gạch, nghề mộc, nghề nề, trăm nghề cứ đua nhau phát triển.
Đến thời Nguyễn, làng có tên là Phượng Mao, xã Cẩm La, tổng Lỗ Hương, huyện Mỹ Hóa.
Quá trình khai khẩn, mở mang đồng ruộng, lập làng là công sức các thế hệ của các dòng họ từ bốn phương họp lại, chung sống đoàn kết, thuận hòa, yêu thương, đùm bọc, cùng nhau xây dựng xóm làng, ngày nay trong làng có 8 dòng họ đó là, họ Lê, Nguyễn, Đặng, Tô, Hàn, Trịnh, Trương và Đinh.
Làng có một số công trình văn hóa tâm linh được nhân dân lưu truyền qua nhiều thế hệ, đó là đình, nghè thờ Lê Công Chinh, Lê Công Phụng, hiện nay còn có văn chỉ và 23 sắc phong.
Ngày nay, với diện tích trên 1 km2 với dân số trên 1.300 nhân khẩu (số liệu năm 1999). Trước Cách mạng tháng Tám 1945, làng có các .... xóm:
Làng Vĩnh Gia
Làng Vĩnh Gia còn có tên thường gọi là Chùa Gia (Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa, trang 607, dòng 03, Sđđ) có vị trí phía tiếp giáp với xã Hoằng Xuân, sông Mã giáp với huyện Thiệu Hóa.
Buổi sơ khai xây dựng làng mới có 5 đến 7 hộ, dần dần phát triển, sinh cơ lập nghiệp của hàng trăm hộ. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 làng có diện tích khoảng 310 ha, chia thành 14 xóm, 491 hộ, với 2.250 nhân khẩu; năm 2000 còn 6 thôn, khoảng 985 hộ với trên 4.000 nhân khẩu thuộc 19 dòng họ.
Là một làng cổ, có từ lâu đời và số nhân khẩu đông, nhân dân ở đây đã sớm xây dựng được những giá trị văn hóa lịch sử rất đỗi tự hào, trong thôn có những di tích lịch sử khá nổi tiếng như Chùa Vĩnh Phúc Tự; đối diện về phía Bắc có có nghè thờ Tam vị Đại vương, gồm Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân và Tôn Thành hoàng làng.
Trải qua thời gian, nhiều lần giữa các làng có lúc chia tách, sáp nhập tại những thời điểm lịch sử khác nhau, song giữa các thôn, làng trong xã Hoằng Phượng luôn có sự liên hệ, gắn bó, đồng thời luôn là cái nôi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
234446